Cảm biến vị trí trục khuỷu – Crankshaft Position Sensor (CPS) là một trong số những cảm biến không thể thiếu trong hệ thống điều khiển động cơ xe ô tô. Nó đảm nhận nhiệm vị quan trọng trong việc hiệu chỉnh thời gian phun nhiên liệu và điều khiển góc đánh lửa.
Khi cảm biến CPS gặp vấn đề thì hiệu suất của động cơ sẽ hoạt động kém hiệu quả, đồng thời nhiên liệu sẽ tiêu hao nhiều hơn. Lúc này, đèn engine sẽ báo sáng để thông báo tới người dùng.
Dưới đây, GT Auto sẽ nêu lên toàn bộ những thông tin về loại cảm biến trên động cơ ô tô này, để bạn đọc có thể hiểu thêm về chúng.
1. Cấu tạo và chức năng cảm biến vị trí trục khuỷu
Được thiết kế với mục đích sử dụng để đo tín hiệu về vị trí và tốc độ quay của trục khuỷu. Những tín hiệu này sẽ được gửi về ECU động cơ để phân tích, sau đó ECU sẽ tính toán làm sao cho góc đánh lửa và thời gian phun nhiên liệu (xăng và dầu) thích hợp nhất.
Có cấu tạo tương đối đơn giản! Chúng ta có thể kể tới 3 loại cảm biến thường gặp hiện nay đó là: cảm biến từ (được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, cảm biến hall và cảm biến quang (thường ít được sử dụng, đa số là trên những mẫu xe cũ).
Để hiểu hơn về cấu tạo của từng loại, bạn có thể tham khảo hình dưới đây:
2. Nguyên lý hoạt động của CPS
Khi trục khuỷu quay, một tín hiệu hình sin hoặc hình vuông sẽ được gửi về ECU động cơ. Sau đó, ECU sẽ phân tích dữ liệu các xung này trên trên một đơn vị đo để xác định tốc độ quay và vị trí của trục khuỷu.
- Loại cảm biến từ sẽ có xung hình sin.
- Loại cảm biến Hall và Quang sẽ có xung hình vuông.
3. Thông số kỹ thuật, sơ đồ mạch điện và vị trí
- Cảm biến từ sẽ có điện trở là 400 – 1.500 Ω (tùy từng mẫu xe). Xung hình sin từ 0.5 – 4.5V.
- Cảm biến Hall và Quang có xung vuông là 0 và 5V.
Loại cảm biến có 2 dây và chúng không cần nguồn cấp. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên một số xe khác có giắc cắm 3pin vì sử dụng thêm cả dây bọc chống nhiễu tín hiệu.
Về vị trí của cảm biến trục khuỷu, đối với các mẫu xe sử dụng bộ chia điện, CPS sẽ thường nằm trong DENCO. Còn đối với những loại động cơ thế hệ mới áp dụng nguyên lý đánh lửa trực tiếp, thì cảm biến vị trí trục khuỷu thường sẽ được đặt ở đầu máy, giữa lock máy hoặc ở đuôi bánh đà.
4. Những hư hỏng và dấu hiệu nhận biết của cảm biến trục khuỷu
Khi cảm biến trục khuỷu CPS gặp lỗi, đèn báo hiệu động cơ sẽ sáng, đồng thời hiệu suất của động cơ sẽ giảm sút, khó khởi động, dễ chết máy, động cơ bị rung giật do đánh lửa sai và tiêu hao nhiều nhiên liệu.
Những hư hỏng thường thấy trên cảm biến CPS có thể kể tới như:
- Trong quá trình tháo/ráp để sửa chữa, có thể khe hở từ bị điều chỉnh sai lệch, răng tạo tín hiệu bị gãy.
- Đường dây điện của cảm biến bị hở, đứt.
- Chạm mát, chạm dương dây tín hiệu.
- Cảm biến hỏng…
> Tham khảo: gara sửa động cơ xe ô tô uy tín TPHCM
5. Cách thức kiểm tra cảm biến trục khuỷu
Tùy vào loại cảm biến loại nào mà chúng ta sẽ có cách đo kiểm khác nhau. Với CPS bao gồm các loại từ, hall và quang thì chúng ta có thể thực hiện với 2 cách như sau:
# Đối với cảm biến vị trí trục khuỷu loại từ:
Kiểm tra điện trở cuộn dây, khe hở đầu cảm biến tới vành tạo xung là 0.3 – 0.5mm (loại có vị trí ở denco), 0.5 – 1.5mm (loại có vị trí ở bánh đà, puly).
# Đối với cảm biến loại Hall và Quang:
Vặn chìa về vị trí ON và kiểm tra chân dương có 12V, mát 0V và signal 5V.
Nếu bạn mang xe đi kiểm tra ở những gara được trang bị máy chẩn đoán, các gara thường sẽ sử dụng datalist Engine Speed để phân tích tín hiệu cảm biến vị trí trục khuỷu.
6. Những kinh nghiệm khi sửa chữa lỗi cảm biến CPS
Việc kiểm tra và sửa chữa lỗi cảm biến CPS đòi hỏi phải có kỹ năng chuyên môn và đầy đủ các công cụ hỗ trợ. Vậy nên các chủ xe không nên thực hiện các công việc này tại nhà.
Khi xe gặp phải vấn đề ở cảm biến trục khuỷu, các chủ xe nên mang xe tới những gara được trang bị máy chẩn đoán.
Còn đối với các anh/em sửa chữa, sau khi đã xác định được chính xác lỗi bắt nguồn từ cảm biến trục khuỷu, các bạn có thể áp dụng các kinh nghiệm dưới đây:
- Nếu bạn điều chỉnh khe hở từ quá lớn, sẽ khiến xung yếu và làm máy không thể nổ được.
- Không sử dụng tuavit để bẩy vành răng ra, điều này có thể làm gãy mất răng tạo xung.
- Đối với loại cảm biến từ, nếu bạn đảo lộn sai dây tín hiệu, có thể sẽ làm động cơ không nổ hoặc nổ không tốt.
- 90% ô tô hỏng CPS không nổ được máy (Lưu ý: Một số xe có thể dùng tín hiệu cảm biến vị trí trục cam để nổ máy khi mất tín hiệu cảm biến CPS).
Trên đây là toàn bộ những thông tin về cảm biến vị trí trục khuỷu mà GT Auto Car Service muốn gửi tới cho các bạn đọc. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm cho mình những thông tin hữu ích. Hoặc các chủ xe ở TPHCM có thể liên hệ với chúng tôi nếu có hư hỏng trên cảm biến này. Chúc các bạn lái xe an toàn!.